Menu 0977908962

Quế, hồi Việt Nam đậm đà nhưng chưa 'ngát hương'

Ngày đăng: 10:50 17/09/2018

Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu quế, hoa hồi gần 400 triệu USD. Con số có thể tăng hơn khi khai thác tốt các giá trị của sản phẩm gia vị, hương liệu này.

Quế, hồi là cây lâm sản ngoài gỗ được trồng tại Việt Nam từ lâu. Quế được trồng nhiều tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Thanh Hóa, Quảng Nam với diện tích ước khoảng 150.000 ha. Hồi được trồng nhiều tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh khoảng 50.000 ha. Ở các nước có ngành công nghiệp chế biến phát triển, quế, hồi là nguyên liệu chính trong sản xuất mỹ phẩm và dược phẩm. Axit shikimi trong hoa hồi đã được các công ty dược phẩm trên thế giới sử dụng để sản xuất vắc xin Tamilflu phòng cúm gia cầm.

Đóng gói quế xuất khẩu

Theo thống kê của Hiệp hội Gia vị thế giới, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sản lượng quế, đứng thứ 2 sau Trung Quốc về sản lượng hồi.

Quế, hồi được tiêu thụ mạnh ở các thị trường Ấn Độ, Trung Đông, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ và các nước châu Âu với doanh thu xuất khẩu khoảng 400 triệu USD/năm. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ quế, hồi còn tương đối thấp so với nhiều sản phẩm khác nhưng với 200.000 ha hiện nay, tạo sinh kế bền vững cho hơn 200.000 hộ gia đình. Quế và hồi trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng núi.

Quế Việt Nam phẩm chất tốt nhưng chưa khai thác hết giá trị cao nhất

Hiện, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu quế, hồi chủ yếu nhỏ lẻ. Thị phần lớn nhất hiện nay là Công ty Quế - Hồi Việt Nam. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của công ty này đến 12 triệu USD đến Ấn Độ, Nhật, châu Âu. Từ năm 2013, côn ty đã liên kết với hơn 500 hộ dân ở Yên Bái, Lạng Sơn để đầu tư con giống, hướng dẫn chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Trong đó có hơn 1000 ha rừng có chứng nhận hữu cơ quốc tế. Ngoài Quế Anh, Visimex cũng là DN lớn trong lĩnh vực chế biến quế khi vừa khánh thành nhà máy thứ 4 tại huyện Văn Yên (Yên Bái), vựa quế lớn nhất nước.

Mặc dù nhiều tiềm năng nhưng giá thành của quế, hồi Việt Nam trên thị trường thế giới lại chưa cao vì nhiều hạn chế. Theo ông Nguyễn Quế Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Quế - Hồi Việt Nam, hạn chế lớn nhất của ngành hiện nay là 70% giống quế, hồi do người dân tự sản xuất theo kinh nghiệm, chỉ 30% lượng giống tốt được cung cấp bởi các công ty nông nghiệp hoặc dự án trồng mới của chính quyền. Phần lớn nông dân canh tác theo tập quán cũ, chất lượng sản phẩm đủ để thâm nhập vào các thị trường cao cấp chưa nhiều.

Hiện Việt Nam có khoảng 600 doanh nghiệp trong lĩnh vực gia vị nhưng đa phần là doanh nghiệp thương mại, ít có mối liên kết với người dân ở các vùng trồng nguyên liệu. Chuỗi giá trị hợp tác với nông dân ít, khi có sự cố mùa màng hoặc giá cả bấp bênh ít có sự hỗ trợ từ DN.

Sản phẩm quế Việt Nam trưng bày tại một hội chợ

Theo ông Quế Anh, cần có thúc đẩy liên kết theo chuỗi dưới sự hỗ trợ của Nhà nước để thúc đẩy thành lập các HTX trồng và tiêu thụ, liên kết với DN đảm bảo giá trị sản phẩm. Hiện nay, nhiều DN đang xúc tiến thành lập Hiệp hội Quế Hồi Việt Nam quy tụ các nhà sản xuất và xuất khẩu quế, hồi. Tại một số nước, các hiệp hội gia vị tại châu Âu, Mỹ, Ấn Độ đã có và hoạt động rất hiệu quả, giúp ngành gia vị và các DN kinh doanh lĩnh vực này phát triển tốt.

Đại diện Visimex cho rằng, thương mại quế, hồi của Việt Nam chủ yếu theo con đường xuất khẩu. Điều này khiến giá hồi không ổn định, cuộc sống người trồng hồi bấp bênh, nhiều khi ế, thừa mà không có nơi tiêu thụ.

Hoa hôìcó chất lượng rất tốt nhưng việc tìm đầu ra cho sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Nước ngoài là thị trường tiêu thụ mạnh, nhiều cơ hội phát triển và đem lại nguồn thu lớn. Thế nhưng, không phải cứ xuất khẩu là chúng có thể yên tâm về sản phẩm, bởi thị trường này ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Đơn cử như thị trường Trung Quốc quy mô lớn nhưng nhưng thiếu ổn định nhất. Có năm thương lái đổ sang mua hồi với giá cao ngất ngưởng, có năm lại không mua và ép giá. Các DN cho rằng dù vẫn khai thác nhưng không nên kỳ vọng quá nhiều vào thị trường này và cần xây dựng phương án quản trị rủi ro.

Trong khi đó, thị trường châu Âu có tính ổn định cao hơn, giá tốt nhưng khó tính, tiêu chuẩn kiểm duyệt gắt gao. Sản phẩm quế, hồi Việt Nam tuy chất lượng tốt nhưng khâu đóng gói, bảo quản, xây dựng thương hiệu còn hạn chế. Ngoài ra, do Việt Nam chủ yếu xuất quế, hồi dạng thô nên giá thành không lý tưởng. Với sản phẩm hoa hồi, một nghịch lý là hoa hồi Trung Quốc lại được bán tràn lan trong khi chất lượng của loại hoa hồi này thua xa hoa hồi Lạng Sơn.

Theo ông Nguyễn Quế Anh, Bộ Công thương cần hỗ trợ thêm nhiều chương trình xúc tiến thương mại chuyên biệt quảng bá ngành gia vị Việt Nam và hỗ trợ DN tham dự các hội chợ chuyên ngành để xuất khẩu quế, hồi ra thế giới. Bên cạnh đó, marketing vào nhận thức của người dân về vai trò của hoa hồi và quế trong đời sống hàng ngày, xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm hoa hồi, quế trên khắp cả nước để tăng khả năng tiếp cận với sản phẩm. Đánh mạnh vào thị trường trong nước là một hướng đi đúng đắn, thúc đẩy ngành trồng hồi, quế phát triển mạnh mẽ.

Đăng ký để nhận ưu đãi tới 25%

>

Đối tác - Khách hàng

Thông báo