Menu 0977908962

Nước mắt dầu hồi

Ngày đăng: 10:59 17/09/2018

GD&TĐ -“Vài năm nay, chả còn người mua nữa các chú ạ, đến những lò xây theo công nghệ mới còn đắp chiếu nằm đấy chứ nói gì đến lò thủ công như lò nhà tôi. Hàng trăm tấn hoa hồi thu về cũng chỉ để đấy chứ biết làm gì” - đó là những chia sẻ của cụ Nông Văn Tú, một trong những người nấu dầu hồi ở vùng đồi núi hẻo lánh này, chua chát kể.

Thời oanh liệt này còn đâu

Chúng tôi ngược xứ Lạng vào những ngày trung tuần tháng 7, những rừng cây, ven suối không xua nổi cái nóng hầm hập của mùa hè. Tìm đến ngôi nhà của cụ Nông Văn Tú (ở thôn Hà Hấy - xã Bình Phúc - huyện Văn Quan - tỉnh Lạng Sơn). Cụ Tú đang sửa lại cái lò nấu tinh dầu hồi của mình, vừa nói: “Thế mà nó gắn bó với gia đình tôi có nhẽ đến hơn 20 năm rồi đấy. Thời trước, nó nuôi sống cả gia đình rồi còn cho các con ăn học nữa”.

Nheo nheo ánh mắt nhìn vào lò nấu tinh dầu hồi, cụ Tú kể: Hồi ở đây nhiều lắm. Trồng cả cánh rừng, nên thu mua cũng dễ. Vài năm trước, Trung Quốc thu mua tinh dầu, nên cả thôn này ai cũng tự xây một cái lò để nấu. Nấu ra đến đâu, người ta thu mua đến đấy. Có những lúc khan hàng, người ta còn đặt tiền trước...”

Cụ Nông Văn Tú bên chiếc lò nấu tinh dầu hồi thủ công một thời oanh liệt của mình
 

Mấy năm trở lại đây, Trung Quốc không thu mua nên sản phẩm không có đầu ra. Thị trường trong nước thì manh mún, nhỏ lẻ. Thương lái từ các tỉnh thành trong cả nước có tìm đến, nhưng họ chỉ mua với số lượng rất khiêm tốn. Sản phẩm tinh dầu nấu ra bị ứ đọng, đồng nghĩa với việc vốn liếng bị “ngâm”, không thể tái sản xuất.

Theo ước tính 1 tấn hồi tươi mới nấu được 25 - 30 lít tinh dầu. Giá mỗi kg tinh dầu là 300.000 đồng. Trong khi đó giá nhập nguyên liệu hồi tươi là 7.000 - 8.000 đồng/kg, hồi khô giá 35.000 đồng/kg. Ngoài ra còn chi phí mua nguyên liệu đốt, thuê nhân công. Do giá cả bấp bênh, đầu ra sản phẩm không ổn định, người dân không có vốn quay vòng sản xuất, đành bỏ nghề.

Ông Tú cho biết, trước đây ông bán sản phẩm cho một đối tác ở Bỉ. Đơn vị này đã mua tinh dầu với ông hơn chục năm nay. Mỗi lần họ lấy với số lượng lớn và giá cả ổn định. Mới đây, họ thông báo rằng, đất nước họ đang có chiến sự, nhiều sản phẩm bị cấm vận nên tạm ngưng nhập tinh dầu hồi. Hiện nay, ông đang bị tồn khoảng 2 tấn tinh dầu hồi, tương đương với khoảng 6 tỷ đồng.

Hàng tồn bán không được mà để lại cũng không xong. Bán thì lỗ vốn, để lại thì không có tiền quay vòng sản xuất. Ông đành cầm cả sổ đỏ nhà để duy trì.

Sau nhiều đêm thức trắng, ông Tú đã tự mình tìm nơi bán tinh dầu. Ông nhờ một người cháu ở Hà Nội lên mạng rao bán tinh dầu. Mới đây có vài đối tác đến để tìm mua sản phẩm. Tuy nhiên, họ mua với số lượng hạn chế nên cũng không thấm tháp vào đâu. Ông vẫn không có đủ tiền để thu mua nguyên liệu để tiếp tục chưng cất tinh dầu. Hiện nay, ông Tú đang rơi vào tình trạng “tiễn thoái lưỡng nan”.

Gian nan làng nghề?

Trường hợp khác là chị Phùng Thị Thanh (Chợ Bãi 2, xã Yên Phúc) cho biết, từ năm 1998, gia đình chị đã nấu tinh dầu. Hồi đó vẫn nấu bằng chảo, lò đất, đun bằng củi. Hồi đó Trung Quốc thu mua với giá cao, làm tinh dầu lãi đậm.

Chị đầu tư mở một lò nấu tinh dầu bằng nhôm cho sản lượng tinh dầu nhiều hơn. Thế nhưng một thời gian sau, giá tinh dầu giảm trầm trọng, chị ước tính, nếu trừ mọi chi phí thì sẽ bị lỗ nặng. Vậy là chị quyết định bỏ lò đốt.

Lò hiện đại nấu tinh dầu hồi nhà chị Thanh giờ bỏ không

 

Bẵng đi một thời gian sau, có một đoàn chuyên gia thuộc Trường Đại học Bách khoa có đề án nấu tinh dầu tại địa phương, hỗ trợ xây lò hơi nấu tinh dầu hơn 1 tỷ đồng tại gia đình chị Thanh.

Theo đó, chị đã phải góp 600 triệu để được quyền sử dụng. Thế nhưng, trong thời gian này, giá tinh dầu hồi cũng không có gì khởi sắc, chị có làm vài ba mẻ nhưng sau khi hoạch toán thì vẫn lỗ. Trong khi đó, lò nấu tinh dầu bằng hơi ấy vẫn chưa được bàn giao chính thức cho gia đình chị Thanh. Lò đốt hàng tỷ đồng đã bị bỏ hoang 3 năm nay.

Chị bảo, những tinh dầu nấu từ 3 năm trước vẫn còn tồn đọng lại mà chưa bán được đi. Chị cũng đã tìm mọi đầu ra cho tinh dầu nhưng đến nay vẫn không mấy khả quan. Trong nước cũng có những đối tác ở Bắc Ninh, Hà Nội, Sài Gòn tìm mua. Thế nhưng họ chỉ thu mua nhỏ lẻ, giá cả bấp bênh, nhiều đối tác còn nợ tiền sản phẩm, đòi mãi cũng không được. Không có tiền để nhập nguyên liệu thì việc chưng cất tinh dầu sẽ bị gián đoạn.

Theo tìm hiểu, tại các nơi trồng nhiều hồi như Văn Lãng, Bình Gia, Cao Lộc, Bắc Sơn… đều có tình trạng tương tự. Người dân đã bỏ nghề chưng cất tinh dầu.

Tại các xã nhiều hồi nhất các huyện Văn Lãng, Bình Gia, Bắc Sơn, người dân đã bỏ chưng cất dầu được mấy năm nay. Có những hộ dân vẫn còn lưu luyến với nghề nên cố giữ lại lò nấu. Tuy nhiên, hầu hết tất cả các lò nấu này đều trong tình trạng hoen gỉ, có những lò đốt được đầu tư hàng trăm triệu đồng rồi để hoang hóa. Giờ muốn dùng lại cũng phải mất rất nhiều công sức, tiền bạc để sửa chữa.

Những cánh hoa hồi được người dân thu về phơi khô, sàng lọc trước khi đưa vào lò nấu tinh dầu

 

Ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Văn Quan cho biết, trước đây cũng nhiều người dân nấu tinh dầu. Đặc biệt tại Chợ Bãi, trước đây cứ mỗi gia đình có một lò đốt. Tuy nhiên, nhưng do đầu ra sản phẩm không ổn định nên người dân dần bỏ hẳn. Hiện nay, tại đó chỉ còn 3 lò đốt còn bám trụ nhưng hoạt động cầm chừng.

“Từ khi cây hồi bảo hộ chỉ dẫn địa lý, chúng tôi cũng có tổ chức các buổi tập huấn, kêu gọi nhân dân chăm sóc cây hồi, thu hái đúng kỹ thuật. Chúng tôi cũng khuyên người dân không nên dùng nước ruộng để nấu tinh dầu vì trong đó có hàm lượng các chất hóa học, gây ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm, không đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của nước ngoài”, ông Sáng nói.

Theo ông Sáng, các hộ gia đình sản xuất tinh dầu cần thành lập công ty hay mô hình hợp tác xã để sản xuất theo từng lô, ghi rõ xuất xứ mới có thể xuất sang nước ngoài. Đó cũng là cách tạo niềm tin đối với các đối tác nước ngoài. Ví như nếu một lô sản phẩm có bị lỗi thì sẽ dễ dàng truy nguyên nguồn gốc. Tuy nhiên, những việc cấp thiết ấy vẫn chưa thấy cá nhân, tổ chức hay ban ngành nào ráo riết thực hiện.

Vấn đề về đầu ra sản phẩm tinh dầu hồi vẫn nhiều gian nan.

Giang Vương

Đăng ký để nhận ưu đãi tới 25%

>

Xem nhiều nhất

Đối tác - Khách hàng

Thông báo